image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn năm 2023
Lượt xem: 396

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023 và các năm tiếp theo. Tập trung, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt các văn bản, chế độ chính sách về lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động và nhân dân, chất lượng đào tạo nghề, gắn với nhu cầu của thị trường, hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề cho phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Đồng thời đẩy mạnh các giải pháp để hướng tới đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Ngày 18/8/2023, UBND huyện xây dựng Kế hoạch số 78/KH-UBND về việc đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn năm 2023.

Theo đó, đối tượng học nghề: Là người lao động thuộc huyện Xuân Trường trong độ tuổi lao động (nữ từ đủ 15 - 55 tuổi; nam từ đủ 15 - 60 tuổi) có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho lao động thuộc diện chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc.

Về mức hỗ trợ: Mức hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND ngày 04/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định về quy định mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Về phương thức hỗ trợ: Thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Thông qua hình thức giao nhiệm vụ cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Xuân Trường và các cơ sở, đơn vị đào tạo có đủ năng lực, điều kiện để dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Riêng đối với trường hợp người học nghề là người khuyết tật, cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách ký hợp đồng đào tạo với các cơ sở đào tạo hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh có Đề án tổ chức dạy nghề gắn với việc làm cho người khuyết tật (đào tạo nghề nghiệp theo hình thức truyền nghề, vừa làm vừa học) và thanh quyết toán theo số người khuyết tật thực tế học và mức chi phí đào tạo do cấp có thẩm quyền quy định.

Thời gian thực hiện dự kiến: Xong trước ngày 31/12/2023.

Kinh phí thực hiện: 380 triệu đồng. Nguồn kinh phí từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 theo Quyết định số 1181/QĐ-UBND ngày 16/6/2023 của UBND tỉnh. Dạy nghề phi nông nghiệp cho 175 lao động.

Về kiểm tra giám sát: Phòng Lao động - TB&XH huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát các lớp dạy nghề trên địa bàn theo quy định.

Về tổ chức thực hiện, UBND huyện giao Phòng Lao động TB&XH huyện: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan lựa chọn các cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện theo quy định, xác định danh mục nghề và nhu cầu học nghề của người lao động. Chủ trì, phối hợp với các xã, thị trấn, các cơ sở dạy nghề trong và ngoài huyện trong công tác tuyển sinh, xét duyệt danh sách lao động tham gia học nghề do cơ sở dạy nghề sau khi tuyển sinh báo cáo; đồng thời theo dõi, nắm bắt số lượng và chất lượng lao động sau khi đào tạo để giới thiệu, tạo công ăn việc làm cho người lao động khi đào tạo có việc làm ổn định. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai Kế hoạch này; tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện về UBND huyện và Sở LĐ-TB&XH tỉnh theo quy định; UBND các xã, thị trấn: Chủ động phối hợp với các cơ sở dạy nghề tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho người lao động đăng ký tham gia học nghề; tổng hợp nhu cầu học nghề năm 2023 của người lao động trên địa bàn, lập báo cáo gửi về UBND huyện (qua Phòng LĐ-TB&XH huyện) để chỉ đạo cơ sở dạy nghề chủ động phối hợp tuyển sinh. Tiếp nhận, đối chiếu, xác nhận vào đơn học nghề, xác nhận đối tượng ưu tiên như gia đình chính sách, hộ nghèo, không để trùng lặp đối tượng....Phối hợp với các cơ sở dạy nghề thực hiện tuyển sinh và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề. Phối hợp với Phòng Lao động-TB&XH huyện và các cơ quan có liên quan để rà soát, điều tra, phân loại, xây dựng nhu cầu đào tạo nghề năm 2024 và các năm tiếp theo; Cơ sở dạy nghề được lựa chọn giao nhiệm vụ đào tạo, dạy nghề trên địa bàn huyện: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện được UBND huyện giao nhiệm vụ, chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyển sinh học nghề theo quy định tại Thông tư số 42/2015/TT- BLĐTBXH và số 43/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-TB&XH đảm bảo tuyển sinh và dạy nghề đúng đối tượng, nội dung hợp đồng. Trước khi mở lớp, cơ sở dạy nghề lập danh sách tuyển sinh trình Phòng Lao động-TB&XH huyện xác nhận để ra thông báo mở lớp. Tổ chức dạy nghề, kiểm tra xét công nhận tốt nghiệp, cấp chứng chỉ cho lao động đã học nghề theo Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018, quản lý sổ sách, hồ sơ học viên theo đúng quy định. Phối hợp với UBND xã, thị trấn theo dõi, thống kê tình trạng việc làm, thu nhập của lao động nông thôn do cơ sở đào tạo sau học nghề. Chấp hành báo cáo định kỳ, đột xuất về tiến độ thực hiện, chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn.

Để triển khai thực hiện tốt Kế hoạch, UBND huyện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; cơ sở dạy nghề thực hiện nghiêm nội dung Kế hoạch. Đồng thời đề nghị trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời về UBND huyện (qua Phòng Lao động-TB&XH huyện tổng hợp) để chỉ đạo./.

 
Cơ quan chủ quản: Xã Thọ Nghiệp- Huyện Xuân Trường
Địa chỉ: Xã Thọ Nghiệp - Huyện Xuân Trường - Tỉnh Nam Định
Email: xathonghiep.xtg@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang